Cầm tấm bằng trong tay, bạn háo hức muốn xin được việc ngay, được thể
hiện mình ngay. Nhưng con đường tìm việc gian lao, phải bắt đầu từ đâu thì
có thể bạn chưa biết…
- Định hướng nghề nghiệp
Trước khi lựa chọn nơi nộp hồ sơ, bạn phải xác định được mình muốn gì, khả năng của bạn thế nào, thế mạnh, sở trường,…? Từ đó, bạn sẽ tìm được nơi đầu quân thích hợp nhất, và tất nhiên, bạn cũng không mất thời gian cho những chỗ làm không hợp với mình. Bạn cũng nên xem xét những cơ hội, những lĩnh vực công việc mà trước đây bạn chưa từng nghĩ đến. Biết đâu đó lại là một bước ngoặt lịch sử của cuộc đời bạn
- Nghiên cứu môi trường làm việc
Tìm hiểu về các công ty bạn quan tâm và cân nhắc sự lựa chọn của bạn là rất cần thiết. Bạn nên tìm kiếm thông tin về công ty trên trang web, tiếp xúc với những nhân viên đang làm ở đó. Biết trước về nơi mình định đến cũng là cách tốt để tạo ấn tượng ban đầu. Bạn có thể nhấp vào đây để tìm hiểu 4 cách “đọc vị” một công ty nhé!
- Chuẩn bị “bộ đồ nghề”
Bất cứ công việc gì cũng cần phải có những công cụ tốt. Những công cụ cho quá trình tìm việc gồm có thư xin việc, bản sơ yếu lí lịch, văn bằng chứng chỉ liên quan. Đầu tư thời gian cho bản sơ yếu lí lịch và lá thư xin việc để thể hiện thể mạnh và những kinh nghiệm của bạn.
Dưới đây là một số lời khuyên:
– Lựa chọn loại sơ yếu lí lịch phù hợp. Một sơ yếu lí lịch chức năng nêu bật những khả năng mà không phải thâm niên làm việc của bạn là một lựa chọn thích hợp cho những người mới ra trường.
– Tập trung vào những nhiệm vụ bạn đã hoàn thành hơn là việc mô tả đơn giản những kinh nghiệm. Sử dụng những từ có tính hoạt động như “khởi xướng”, “đem lại”, “giải quyết được” để mô tả những kinh nghiệm trong CV và thư xin việc. Nếu bạn không có nhiều kinh nghiệm thực tế thì những công việc bán thời gian, các hoạt động bạn tham gia ở trường, công việc tình nguyện cũng đáng để bạn ghi vào CV.
- Tận dụng các mối quan hệ
Một trong những điều cần thiết khi tìm việc là có được mạng lưới mối quan hệ. Tận dụng tất cả những nguồn thông tin mà bạn có từ những văn phòng việc làm ở trường, bạn bè tốt nghiệp trước bạn, bạn bè của bố mẹ, các thầy cô cho đến cả những người hàng xóm. Họ là những người cung cấp đầu mối việc làm hiệu quả nhất.
- Luôn sẵn sàng cho công việc
Nếu bạn muốn bước vào một thế giới nghề nghiệp có tính chuyên nghiệp thì diện mạo và hành động của bạn phải thể hiện được mình là một phần của thế giới đó. Bạn cũng nên có địa chỉ e-mail phù hợp, không nên để email với những cái tên mang tính riêng tư, thể hiện cá tính hoặc quá trẻ con kiểu meokitty@… Hay cobedoihon@…
Luôn sẵn sàng cho những cuộc điện thoại gọi đi phỏng vấn. Chuẩn bị sẵn những bộ trang phục phù hợp cho buổi phỏng vấn. Ngay từ khi bắt đầu xin việc, hãy dẹp ngay mái tóc vàng chéo và dựng tua tủa thời sinh viên của bạn sang một bên. Rất có thể sau khi nhận lời mời phỏng vấn, bạn sẽ không còn đủ thời gian cho việc sửa sang đầu óc.
- Last but not least- Đừng từ bỏ mơ ước
Thế giới luôn đầy những thử thách vì vậy bạn nên có những dự tính thực tế và chấp nhận có thể bạn phải đi lên từ những thất bại. Có thể bạn bị từ chối khi mới bắt đầu tìm việc nhưng đấy cũng là lẽ thường mà nhiều người phải trải qua. Hãy luôn năng động, kiên nhẫn và tự tin rằng còn nhiều công việc lớn dành cho bạn.
( theo Dân Trí)
Discussion about this post